Bối cảnh Chiến_dịch_Việt_Bắc

Việt Bắc là nơi có địa thế hiểm trở, hạn chế cả về cơ động và tầm quan sát, khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu hiện đại, khi tiến công tiến hành tác chiến lớn phải theo mùa... nên ngay từ tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Phạm Văn ĐồngNguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào một thời gian, trực tiếp chỉ đạo củng cố khu căn cứ của Trung ương.

Đến cuối tháng 10 năm 1946 (trước ngày Toàn quốc kháng chiến), thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Chiêm Hoá, Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), được chọn làm An toàn khu (ATK). Bắt đầu từ tháng 11 năm 1946, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để lãnh đạo, tổ chức kháng chiến lâu dài. Các binh công xưởng, xí nghiệp, nhà máy, gần 63 nghìn nhân dân miền xuôi và hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu được vận chuyển, sơ tán lên Việt Bắc để vừa sản xuất vừa tiếp tục chiến đấu.

Đầu năm 1947, sau khi giải pháp chính trị lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp đã quyết định dùng quân sự để giải quyết vấn đề Chiến tranh Đông Dương. Tướng Salan được chính phủ Pháp cử sang Bắc kỳ thay thế đại tá Dèbes trong chức vụ Chỉ huy quân lực Pháp ở Bắc Đông Dương. Tướng Valluy vẫn giữ chức Chỉ huy tối cao quân đội viễn chinh thay thế Leclerc từ hồi tháng 6 năm1946.

Tướng Jean-Etienne Valluy (Valuy) – Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Raoul Salan (Xalăng) – Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gấp rút chuẩn bị "Kế hoạch tấn công Việt Bắc". Valluy và Salan nghiên cứu một cuộc hành quân đại quy mô vào vùng Việt Bắc mục đích phá vỡ các tổ chức quân sự dân sự của Việt minh, lùng bắt chính phủ Hồ Chí Minh và đặt các căn cứ kiểm soát vùng biên giới Hoa - Việt.

Sau khi chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ và các đô thị lớn tại miền Bắc, theo chiến lược "Đánh nhanh thắng nhanh", quân Pháp mở cuộc tấn công mới lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh đang đóng tại đây, hoàn tất việc tái chiếm Đông Dương.

Kế hoạch tấn công dự kiến chia làm hai bước[5]:

  • Bước 1: Mang mật danh Léa (Lê-a), mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc KạnChợ ĐồnChợ Mới.
  • Bước 2: Mang mật danh Ceinture (Xanh-tuy), tức là "Siết chặt vành đai", quân Pháp sẽ tập trung lực lượng càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu – Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm."

Cuộc hành quân mệnh danh là LÉA, lấy tên một ngọn đèo cao 1362 mét trên đường thuộc địa số 3 giữa Bắc KạnCao Bằng. Mục tiêu của Pháp là: "Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt–Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ…"[6]

Lực lượng hai bên

Lực lượng Pháp tham gia tiến công trên 15 nghìn quân, gồm:

  • Năm trung đoàn bộ binh: Trung đoàn Maroc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Maroc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Coste (Cô-xtơ) chỉ huy.
  • Ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, hai tiểu đoàn công binh, ba đại đội cơ giới,
  • Hai phi đội với 40 máy bay, ba thủy đội xung kích với 40 tàu, xuồng.

Về phía Việt Minh, lực lượng quân đội trên toàn quốc có 105.990 người (Bắc Bộ có 45.802 người); biên chế thành 20 trung đoàn, có hai trung đoàn 147 và 165 của Bộ và nhiều tiểu đoàn độc lập của khu và của Bộ. Trang bị của các đơn vị đều thiếu thốn và không thống nhất, có gì dùng nấy. Một tiểu đoàn thường chỉ được trang bị tương đương với 1 đại đội của Pháp, với 2 đại liên, 1-2 súng cối 60mm, tám trung liên, 140 đến 160 súng trường đủ các kiểu (Nhật, Nga, Pháp); hơn một nửa quân số phải dùng các vũ khí thô sơ như súng kíp tự chế và cả gươm giáo, cung tên... Chỉ có một số tiểu đoàn của Bộ là có pháo 20mm, trọng liên 13,2 mm, 12,7 mm và súng cối 81mm. Vũ khí chống tăng thì rất thô sơ (chỉ có duy nhất 2 thứ đó là lựu đạn và bom ba càng), xe cơ giới và phi cơ thì không hề có.

Bộ đội và cán bộ chỉ huy các cấp chưa được huấn luyện thành thục về kỹ thuật, chiến thuật. Trình độ và khả năng chiến đấu giữa các đơn vị không đồng đều. Trừ Trung đoàn Thủ đôTrung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách qua chiến đấu, phần lớn các đơn vị còn lại chưa hề qua chiến đấu, trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ, tình hình trang bị không cho phép tiến hành những trận đánh lớn. Các binh chủng pháo binh, công binh chưa được tổ chức thành đơn vị. Phương tiện thông tin liên lạc và vận tải thiếu nhiều, chủ yếu là liên lạc chạy bộ. Chỉ có Bộ, Khu và trung đoàn là có vô tuyến điện, từ tiểu đoàn trở xuống liên lạc bằng chạy chân và tín hiệu thủ công. Cung cấp, tiếp tế hậu cần rất khó khăn, chủ yếu dựa vào chính quyền và nhân dân địa phương. Điểm mạnh duy nhất là tinh thần chiến đấu, khả năng chịu đựng gian khổ hy sinh của bộ đội và sự hỗ trợ, đùm bọc của nhân dân địa phương.

Riêng trên địa bàn chiến dịch, Việt Minh có 7 trung đoàn bộ binh, tổng cộng 18 tiểu đoàn chủ lực (trong đó có hai tiểu đoàn của Bộ), 30 đại đội độc lập, 4.228 dân quân du kích tập trung; ngoài ra còn có lực lượng tự vệ của các thị xã, thị trấn, công xưởng trên toàn Quân khu Việt Bắc. Pháo binh chỉ có tất cả là bốn khẩu (ba khẩu sơn pháo 75mm, một khẩu 70mm).Hệ thống Phòng không có hai pháo 20mm, hai khẩu 13,2 mm và sáu khẩu 12,7 mm.

Chiến dịch do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Sở chỉ huy cơ bản ở Yên Thông; đến chiều 20 tháng 10 năm 1947, chuyển sang Tràng Xá (Thái Nguyên). Giai đoạn 2 chuyển về vùng Lục Rã, Quảng Nạp.[7]